Quả bóng vàng nữ Trần Thị Kim Hồng: Giấc mơ cuộc đời…

Kim Hồng cười rạng rỡ đón danh hiệu Quả bóng vàng đầu tiên trong sự nghiệp. Nhưng ít người biết, nữ tiền vệ ấy đang nén lại nỗi đau thể xác (vì chấn thương gối rất nặng) để cho sự ngọt ngào, hạnh phúc trào dâng. Hôm qua, Kim Hồng bỗng rụt rè trong bộ đầm màu tím, mắt ngấn lệ trên sân khấu Nhà hát Bến Thành, khác hẳn với hình ảnh tả xung hữu đột của mình trong màu áo ĐTQG, màu áo CLB TPHCM…

Kim Hồng cười rạng rỡ đón danh hiệu Quả bóng vàng đầu tiên trong sự nghiệp. Nhưng ít người biết, nữ tiền vệ ấy đang nén lại nỗi đau thể xác (vì chấn thương gối rất nặng) để cho sự ngọt ngào, hạnh phúc trào dâng. Hôm qua, Kim Hồng bỗng rụt rè trong bộ đầm màu tím, mắt ngấn lệ trên sân khấu Nhà hát Bến Thành, khác hẳn với hình ảnh tả xung hữu đột của mình trong màu áo ĐTQG, màu áo CLB TPHCM…

 

Nhớ cái thuở hàn vi ấy…

Trần Thị Kim Hồng (sinh năm 1985) là cô út trong gia đình nghèo có đến 7 anh chị em ở quận Tân Phú (TPHCM). Chính vì nhà nghèo, nên chuyện học của họ dang dở giữa chừng. Ai cũng phải tìm việc kiếm tiền phụ gia đình. Cô út Kim Hồng không phải ngoại lệ, vẫn thường giúp mẹ dọn xà bần ở những công trình xây dựng gần nhà để kiếm tiền, cứ cách nhật đều tăm tắp Hai – Tư – Sáu.

 

Giống bao đứa trẻ khác, Hồng luôn ước được đến lớp, được sống hết tuổi thơ dưới mái trường cùng bạn bè trang lứa, để nghĩ đến một ngày mai tốt đẹp và bớt khổ hơn. Thế nhưng, cái điều quá ư bình thường ấy với chị em Hồng lại trở thành chuyện gì đó thật xa xỉ, khó với đến…

 

Dở dang chuyện học, lúc 13 tuổi, định mệnh kéo Kim Hồng đến với bóng đá, đến với tương lai mà trước đó, chính bản thâm cô cũng chẳng bao giờ ngờ tới. Khởi nguồn là cô chị Mỹ Dung, người đã cố tình “dụ dỗ” Hồng trốn mẹ đạp chiếc xe cà tàng cả giờ đồng hồ từ nhà đến sân Tao đàn đá bóng.

 

Ốm, thấp, nhưng bù lại, Hồng có sức khỏe trời phú, có tốc độ cực mạnh và sút trái bóng đầy uy lực như thể từng kinh qua vài năm tập luyện rồi. “Thế là nhận và tôi tin cô bé này một ngày nào đó sẽ phát lộ tài năng”, HLV Nguyễn Tấn Lợi nhớ lại thời điểm nhận Hồng vào lớp bóng đá nữ quận 1 cùng nhiều cô bé khác.

 

Mẹ gần như nổi điên khi phát hiện chị em Hồng trốn nhà chơi bóng. Dọn xà bần may ra còn có tiền, con gái mà bóng với banh thì mọt kiếp cũng chẳng đào đâu ra tiền mà sống. Rồi giận, mẹ cấm cả 2 chị em đến sân. Vừa sợ nhưng lại tò mò, Hồng tiếp tục theo đuổi sự thú vị mới mẻ từ bóng đá và dĩ nhiên phải… trốn mẹ rồi! Lần đầu tiên, người mẹ ấy cầm trong tay 500.000 đồng từ cô con gái mang về – phần thưởng ở 1 giải đấu mà Hồng góp mặt – nước mắt ngỡ ngàng được dịp trào dâng. Thì ra, đá bóng cũng kiếm được tiền, cũng có lối để thoát cái đói nghèo, cũng còn đỡ hơn cái cảnh cặm cụi giữa đống bụi mù đất và cát…

 

Thế là bóng đá vô tình trở thành cứu cánh cho cuộcđời Kim Hồng, để vài năm sau, cô gái ốm tong teo dạo nào xuất hiện đầy chững chạc, sắc bén bên cánh phải đội tuyển TPHCM lên ngôi vô địch Đại hội TDTT toàn quốc 2002. Chỉ 1 năm sau, Kim Hồng được gọi lên ĐTQG và chiếm giữ luôn vị trí mà đàn chị Thúy Nga để lại cho đến tận bây giờ.

 

Có một giấc mơ khác

Kim Hồng nhăn mặt khi bước chân lên cầu thang, chấn thương gối trái rất nặng đang dày vò cô từng ngày. Nhưng nóng lòng nhất là phải rời xa trái bóng, Hồng bảo thế. Có người bảo chấn thương có thể phá hỏng sự nghiệp đang thăng hoa của Hồng. Nhưng nữ tiền vệ này vẫn tỏ ra lạc quan: “Đúng là đến khi đối diện với chấn thương ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự nghiệp, em mới cản thấy choáng váng thực sự. Nhưng hy vọng phẫu thuật xong, em sẽ hồi phục hẳn để trở lại sân cỏ”.

 

Ít cũng mất vài tháng nghỉ, tuy nhiên Hồng quả quyết sẽ không đánh mất niềm tin. Đây là lúc mà ý chí, nghị lực vốn là điểm mạnh ở Hồng được dịp thể hiện. Hồng tin và nhiều người mến Hồng cũng tin tưởng người đội trưởng ấy sẽ sớm trở lại với màu áo ĐTQG và CLB TPHCM như trước.

 

Đá bóng là nghiệp, nhưng Hồng còn một giấc mơ khác, cũng cháy bỏng không kém: trở thành một chuyên gia trang điểm cô dâu: “Nói thật với anh, lúc mới vào lớp học trang điểm, em có dám khai ra mình là cầu thủ đá bóng đâu, sợ quê chết. Học rồi tự lôi mình ra làm… chuột bạch để thử nghiệm, thậm chí thử cho cả chị gái và vài người bạn. Thấy cũng ổn, vậy là em quyết học cho ra nghề để sau này, lỡ có rời xa bóng đá còn có cái để làm, để vui”, Kim Hồng vui vẻ nói.

 

Trong ánh mắt ẩn chứa niềm vui ấy của Kim Hồng, người đối diện dễ nhận thấy một điều gì đó khát khao, đầy hoài bão như khi cô bước chân theo nghiệp bóng đá, chấp nhận mơ giấc mơ cuộc đời…

Nguồn: Theo báo Thể thao SGGP